Mặc dù xuất khẩu sắt thép và sản phẩm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước trên 5,6 tỉ USD trong 9 tháng năm 2019, nhưng ngược lại Việt Nam cũng phải nhập khẩu mặt hàng này trên 11 tỉ USD.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), trong 9 tháng năm nay, cả nước nhập khẩu nhóm hàng sắt thép trị giá 7,1 tỉ USD. Nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép trên 3 tỉ USD và phế liệu sắt thép 1,32 tỉ USD. Tổng cộng cả nước đã nhập khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép hơn 11,42 tỉ USD.
Riêng đối với mặt hàng phế liệu sắt thép, tổng cộng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tính từ đầu năm đến hết tháng 9.2019 lên 4,2 triệu tấn, trị giá 1,32 tỉ USD, tăng 6,8% về lượng nhưng giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản là thị trường có lượng hàng phế liệu sắt thép xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong 9 tháng năm nay với 1,51 triệu tấn, trị giá 506,16 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và 178,02% trị giá, giá nhập bình quân 334,62 USD/tấn, giảm 10,02% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường đứng thứ hai là Mỹ với số lượng phế liệu nhập vào Việt Nam đạt 1,11 triệu tấn có trị giá 358,09 triệu USD, tăng 68,31% về lượng và 51,61% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Kế đến là Hồng Kông (Trung Quốc) với lượng nhập 271.500 tấn, trị giá 88,77 triệu USD, giảm 36,01% về lượng và 43,02% trị giá so với cùng kỳ. Bình quân giá nhập khẩu 326,98 USD/tấn, giảm 10,94% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, phế liệu sắt thép còn được nhập nhiều từ các nước Đông Nam Á, EU….
Nhìn chung, 9 tháng năm 2019, lượng phế liệu sắt thép nhập từ các thị trường hầu hết đều sụt giảm, theo đó nhập từ thị trường Đài Loan giảm nhiều nhất, giảm 38,02% về lượng và 55,38% về trị giá so với cùng kỳ, tương ứng với 44.900 tấn có trị giá 3,93 triệu USD. Ở chiều ngược lại nhập khẩu từ thị trường Brazil tăng nhiều nhất, tăng 94,68% về lượng và 86,51% về trị giá, giá nhập bình quân giảm 4,19% xuống còn 339,96 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nguồn cung phế liệu thép cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay có thêm thị trường Ba Lan, Thụy Điển và Bangladesh.